Lần nào đi cất hàng dưới miền Tây, má tui cũng đón xe đò chuyến đêm để đỡ mất buổi chợ. Tối khuya má đi, sáng tinh mơ, anh em tui tỉnh giấc đã thấy má về. Má tui có sạp bán trái cây ngoài chợ. Nồi cơm cả nhà đều trông vào đó. Ba mất hồi tui lên sáu. Nhỏ Chùm Ruột em tui mới ba tuổi, suốt ngày tui phải bồng nó trèo trẹo bên hông. Sểnh mắt ra, nhỏ em tui lao ào vô góc nhà, nơi má trữ mít hay sầu riêng thì mệt.
Lần nào đi cất hàng dưới miền Tây, má tui cũng đón xe đò chuyến đêm để đỡ mất buổi chợ. Tối khuya má đi, sáng tinh mơ, anh em tui tỉnh giấc đã thấy má về. Má tui có sạp bán trái cây ngoài chợ. Nồi cơm cả nhà đều trông vào đó. Ba mất hồi tui lên sáu. Nhỏ Chùm Ruột em tui mới ba tuổi, suốt ngày tui phải bồng nó trèo trẹo bên hông. Sểnh mắt ra, nhỏ em tui lao ào vô góc nhà, nơi má trữ mít hay sầu riêng thì mệt.
Những bữa má đi lấy hàng, tui phải hát ru nó ngủ. Hát sái quai hàm, mắt nhỏ Chùm Ruột vẫn mở thao láo. Nhiều bữa, mệt quá, tui ngủ quên. Nhỏ em nằm khóc ri rỉ. Tui chồm dậy, lại ngoác miệng hăng hái ru toáng lên. Riết, hàng xóm đều ớn lạnh giọng ca của tui.
Một đêm, hai anh em đang ngủ chèo khoeo, bỗng nghe đập cửa dồn dập. Người ta báo xe đò về thành phố bị lật. Hai chân tui mềm rủn như bún. Xe lật, có người chết, có người bị thương nặng. May mắn làm sao, má tui chỉ bị bể xương bả vai và nứt xương ống chân. Tui về nhà, cạy tủ, móc ra bọc tiền má vùi sâu dưới đống quần áo. Sau khi nộp viện phí, má con tui chẳng còn bao nhiêu tiền. Họ hàng có giúp đỡ chút đỉnh đã đổ hết vào tiền thuốc. Bỗng dưng, một gánh nặng bất thần đặt lên vai tui.
Tiền ăn uống chi tiêu những ngày má nằm trong bệnh viện tui tự lo lấy. Sáng tui đi học, chiều hai anh em trải chiếu nằm ngoài hành lang bệnh viện. Tới bữa, tui xách cà-mên xuống căng-tin mua cơm. Hai suất, ba má con chia nhau. Tui đút cho má thiệt khéo. Má vừa ăn, vừa buồn rầu than thở. Tui an ủi má, nói dối mọi thứ đều ổn. Nhưng thật ra, tiền trong túi sắp cạn hết rồi, mấy ngày tới biết lấy gì mua đồ ăn, biết lấy gì mua thuốc cho má. Càng nghĩ, ruột gan tui càng rối bời.
Tiền chỉ còn đủ để mua cơm và súp cho má. Tới bữa, tui ngồi ngoài băng ghế đá, trệu trạo nhai cơm không. Có một bác cũng đi nuôi người bệnh thấy vậy tội nghiệp, san vào lon cơm của tui ít cá kho khô. Chiều tối, tui thấy bác ôm quần áo ra tuốt sân sau bệnh viện giặt đồ. Tui lật đật chạy theo, xin giặt giùm. Vài lần như vậy, bỗng tui nổi danh là thằng nhỏ giặt đồ rất sạch sẽ. Một vài cô bác đi nuôi người ốm cũng nhờ tui giặt giùm. Xong rồi, được trả công. ôi, đồng tiền kiếm lúc ngặt nghèo mới quý giá làm sao. Được đồng nào, tui cất kỹ, để dành lo cho má và Chùm Ruột. Ngón tay tui ngâm nước và xà-bông trắng nhách, nhăn nheo. Má biết chuyện tui làm, vắt tay lên trán, che nước mắt chảy ra. Tui thì chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cái chuyện đi giặt đồ mướn. Đàn ông con trai gánh vác việc nhà là đương nhiên mà.
Buổi sáng Chủ nhật, có một đoàn các cô các bác hàng xóm tới thăm. Mọi người trong tổ dân phố góp tiền, phụ giúp cho má tui điều trị. Má tui mừng lắm cảm ơn, rồi hỏi làm sao mọi người phát hiện bà nằm viện để tới thăm. Cô thợ may nhà kế bên ký nhẹ lên đầu tui, trách móc: “Cái thằng quỷ nhỏ này, má nó đụng chuyện mà nín khe, không nói cho hàng xóm biết. Cũng nhờ mấy hôm không thấy nó hát ru nhỏ Chùm Ruột, nên tui sinh nghi, đi điều tra mới hay đó chứ…”
Khách tới thăm về rồi, bác sĩ cũng báo xương má lành sắp được xuất viện rồi. Toàn chuyện vui, vậy mà má tui cứ nằm vắt tay lên trán hoài vậy đó.
(Tác giả của bài viết này là: Đậu Văn Quang Trích HHT)
Lần nào đi cất hàng dưới miền Tây, má tui cũng đón xe đò chuyến đêm để đỡ mất buổi chợ. Tối khuya má đi, sáng tinh mơ, anh em tui tỉnh giấc đã thấy má về. Má tui có sạp bán trái cây ngoài chợ. Nồi cơm cả nhà đều trông vào đó. Ba mất hồi tui lên sáu. Nhỏ Chùm Ruột em tui mới ba tuổi, suốt ngày tui phải bồng nó trèo trẹo bên hông. Sểnh mắt ra, nhỏ em tui lao ào vô góc nhà, nơi má trữ mít hay sầu riêng thì mệt.
Những bữa má đi lấy hàng, tui phải hát ru nó ngủ. Hát sái quai hàm, mắt nhỏ Chùm Ruột vẫn mở thao láo. Nhiều bữa, mệt quá, tui ngủ quên. Nhỏ em nằm khóc ri rỉ. Tui chồm dậy, lại ngoác miệng hăng hái ru toáng lên. Riết, hàng xóm đều ớn lạnh giọng ca của tui.
Một đêm, hai anh em đang ngủ chèo khoeo, bỗng nghe đập cửa dồn dập. Người ta báo xe đò về thành phố bị lật. Hai chân tui mềm rủn như bún. Xe lật, có người chết, có người bị thương nặng. May mắn làm sao, má tui chỉ bị bể xương bả vai và nứt xương ống chân. Tui về nhà, cạy tủ, móc ra bọc tiền má vùi sâu dưới đống quần áo. Sau khi nộp viện phí, má con tui chẳng còn bao nhiêu tiền. Họ hàng có giúp đỡ chút đỉnh đã đổ hết vào tiền thuốc. Bỗng dưng, một gánh nặng bất thần đặt lên vai tui.
Tiền ăn uống chi tiêu những ngày má nằm trong bệnh viện tui tự lo lấy. Sáng tui đi học, chiều hai anh em trải chiếu nằm ngoài hành lang bệnh viện. Tới bữa, tui xách cà-mên xuống căng-tin mua cơm. Hai suất, ba má con chia nhau. Tui đút cho má thiệt khéo. Má vừa ăn, vừa buồn rầu than thở. Tui an ủi má, nói dối mọi thứ đều ổn. Nhưng thật ra, tiền trong túi sắp cạn hết rồi, mấy ngày tới biết lấy gì mua đồ ăn, biết lấy gì mua thuốc cho má. Càng nghĩ, ruột gan tui càng rối bời.
Tiền chỉ còn đủ để mua cơm và súp cho má. Tới bữa, tui ngồi ngoài băng ghế đá, trệu trạo nhai cơm không. Có một bác cũng đi nuôi người bệnh thấy vậy tội nghiệp, san vào lon cơm của tui ít cá kho khô. Chiều tối, tui thấy bác ôm quần áo ra tuốt sân sau bệnh viện giặt đồ. Tui lật đật chạy theo, xin giặt giùm. Vài lần như vậy, bỗng tui nổi danh là thằng nhỏ giặt đồ rất sạch sẽ. Một vài cô bác đi nuôi người ốm cũng nhờ tui giặt giùm. Xong rồi, được trả công. ôi, đồng tiền kiếm lúc ngặt nghèo mới quý giá làm sao. Được đồng nào, tui cất kỹ, để dành lo cho má và Chùm Ruột. Ngón tay tui ngâm nước và xà-bông trắng nhách, nhăn nheo. Má biết chuyện tui làm, vắt tay lên trán, che nước mắt chảy ra. Tui thì chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cái chuyện đi giặt đồ mướn. Đàn ông con trai gánh vác việc nhà là đương nhiên mà.
Buổi sáng Chủ nhật, có một đoàn các cô các bác hàng xóm tới thăm. Mọi người trong tổ dân phố góp tiền, phụ giúp cho má tui điều trị. Má tui mừng lắm cảm ơn, rồi hỏi làm sao mọi người phát hiện bà nằm viện để tới thăm. Cô thợ may nhà kế bên ký nhẹ lên đầu tui, trách móc: “Cái thằng quỷ nhỏ này, má nó đụng chuyện mà nín khe, không nói cho hàng xóm biết. Cũng nhờ mấy hôm không thấy nó hát ru nhỏ Chùm Ruột, nên tui sinh nghi, đi điều tra mới hay đó chứ…”
Khách tới thăm về rồi, bác sĩ cũng báo xương má lành sắp được xuất viện rồi. Toàn chuyện vui, vậy mà má tui cứ nằm vắt tay lên trán hoài vậy đó.
(Tác giả của bài viết này là: Đậu Văn Quang Trích HHT)