1.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm em...
Giai điệu vui vẻ và tiếng hát trong trẻo của em thiếu nhi cũng không thể làm cho câu ca dao Việt bớt u hòai. Cò ơi cho tôi hỏi một chút đi! Trong buổi chập chọang của thời trung đại thăm thẳm hàng nghìn năm kia, người ta quen sống yên ổn giữa lũy tre làng. Chắc cò phải có bổn phẩn gì ghê gớm lắm mới thân gái dặm trường đi đón cơn mưa, mặc cho tối tăm mù mịt, mặc cho không ai đưa cò về, mặc cho nỗi nhớ quê nhà, mặc cho nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ em trong lòng cò?
2. Khi thân phận người phụ nữ bị coi nhẹ thì câu ca dao trĩu nặng những cánh cò. Trong lòng mỗi người con tử tế đều luôn có mẹ. Trong lòng những người đàn ông biết nghĩ đều ấp ủ và biết ơn những thân cò. Đó có thể là thân cò - người bạn đời của nhà thơ Lưu Quang Vũ - có đôi vai ấm dịu dàng, có bàn tay đáng tin cậy, bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày, và đặc biệt có "đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa". Đó có thể là thân vạc - người em gái, hay người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "mưa có còn buồn trong mắt em?". Những thân cò thân vạc Việt Nam luôn có đôi mắt buồn truyền kiếp, vì mưa. Mưa đặc sản của xứ sở nhiệt đới hay là mưa bão của kiếp người phụ nữ mang số phận của công cụ, số phận của đồ chơi dành cho đàn ông mà trong mỗi người đàn ông này vốn có một ông quan, một ông boss ngự trị? Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay..."
3. Cái cò đi đón cơn mưa. Mưa móc của hạnh phúc mong đợi, hay cơn mưa mỗi chiều làm mổi lên những giun những dế để cái cò kiếm sống? Người mẹ trẻ gửi con 3 tháng tuổi về ngọai để đi lao động ở Nhật có phải đi đón cơn mưa? Những cô gái tuổi 30 để lại tình yêu đi lấy bằng tiến sĩ ở Đại học nước người có phải đi đón cơn mưa? Những cô bé chưa dậy thì đi du học ở những quê hương lạnh lẽo mênh mông tuyết trắng có là đi đón cơn mưa? Cả những cái cò nghèo ở miệt vườn bỏ lại quê nhà, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ em đi lấy chồng già, chồng tàn phế ở Đài Loan có là đi đón cơn mưa?
4. "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông". Đến bà Tú, vợ một nhà thơ lớn, vẫn còn mang kiếp thân cò thân vạc. Những con cò kiếm sống ở ven sông. Giờ đây, trong xã hội hiện đại, những con sông đã được đem vào nhà, "con sông chảy luôn qua vòi nước có thể với tay là đến". Thế mà những thân cò thân vạc thì vẫn chưa thôi lặn lội. Những thân cò vẫn ở bến xe bến phà, những thân cò gánh bánh đa bánh đúc dại dột băng qua dải phân cách phố đông xe cộ ầm ào. Những thân cò ngơ ngác gánh cam, cam rơi tơi tả ở chỗ không được họp chợ. Những thân cò áo bạc khờ khạo đạp xe lạc luộc vào đường ngược chiều. Những thân cò bối rối trước những dòn sông không quen biết, hoang mang trước những bến bờ xa lạ. Ngày nào xứ sở mình còn nghèo khổ, ngày đó vẫn còn thương lắm những cánh cò. Trong một đất nước nghèo, người phụ nữ khổ nhất, trong một ngôi nhà nghèo, người phụ nữ nghèo nhất, bởi vì họ là người đi chợ mua rau, bởi vì họ "mang gánh nặng chi tiêu của cả gia đình".
5. Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng. Bay từ quá khứ bay ra hiện tại, bay lạc sang cả cánh đồng người. Những cánh cò chấp chới bay qua một nghìn năm phong kiến, bay qua một nghìn năm nô lệ, bay suốt thời chiến tranh, bay vào thời hậu chiến. Cho nên, vẫn còn những thân cò thân vạc khổ, nghèo. Vẫn còn những phận cò chấp chới suốt bốn nghìn năm chưa có lối ra... Em có thương lắm những cánh cò?
Đoàn Công Lê Huy